Thực phẩm vừa phòng chống ung thư vừa có thể giảm cân
Ngày nay, việc sử dụng chất bảo quản cùng quá trình chế biến thực phẩm quá nhiều dầu mỡ khiến nhiều loại thức ăn tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư và béo phì cho con người. Dưới đây là 4 loại thực phẩm vừa phòng chống ung thư, vừa có thể giảm cân an toàn.
1. Cà tím
Cà tím là món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam. Y học cổ truyền cho rằng, cà có vị ngọt, tính hàn, mặc dù hơi độc nhưng nếu biết cách sử dụng, nó có thể phòng trị bệnh hiệu quả. Thành phần dinh dưỡng trong 100g cà tím có các chất khoáng, protit, gluxit, natri, sắt, mangan, kẽm, iốt, đồng, kali, các vitamin A, B, C…Cà tím giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường nhờ hoạt chất ức chế men alpha glucosidase và alpha amylase tuỵ tạng. 2 loại men này có tác dụng thoái biến tinh bột và chuyển hoá thành đường glucose tốt cho người bệnh tiểu đường. Thêm vào đó, hàm lượng nước trong cà tím lên đến 92%, cà tím giàu dưỡng chất vi lượng, chất xơ, ít năng lượng calo sinh nhiệt thấp, thích hợp với người đang giảm cân, người béo phì, hay ăn nhậu.
Các chuyên gia Nhật Bản qua nghiên cứu cũng phát hiện màu tím đậm của loại cà này giàu chất chống oxy hóa mạnh, giúp kiểm soát hàm lượng chất béo lipit, bảo vệ các tế bào não, ngăn ngừa cholesterol, tăng cường hệ thống miễn dịch. Họ tìm thấy trong nước ép cà tím xuất hiện hoạt chất có khả năng ngăn ngừa ung thư, nhất là ung thư dạ dày. Vì thế, các bác sỹ thường khuyên bệnh nhân dùng nước ép cà tím sau phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
2. Tỏi
Khoa học đã chứng minh tỏi có tác dụng giảm cân thông qua cơ chế làm giảm lượng mỡ máu và ngăn chặn đến 40% sự lắng đọng các mảng mỡ hình thành dưới da. Nếu mỗi người ăn nửa củ tỏi mỗi ngày trong vòng 8 – 24 tuần, sẽ hạ được 9% nồng độ cholesterol trong cơ thể. Nếu ăn khoảng 60g tỏi, sẽ giảm lượng cholesterol từ 229 xuống 213 trong vòng 3 giờ đồng hồ.
Trong quá trình hoạt động của chu kỳ tế bào, một tế bào khỏe mạnh hoàn toàn có thể trở thành tế bào ung thư. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tỏi có tác động mạnh mẽ đến chu kỳ tế bào. Thành phần allyl sulfide C6H10S trong tỏi và hành tây có thể giúp các tế bào tiền ung thư hoạt động trở lại bình thường. Do đó, các nghiên cứu về ung thư hầu hết đều được thực hiện trên chiết xuất của hành tây và tỏi. Để phòng ngừa ung thư vú, phụ nữ nên có chế độ ăn uống điều độ và nên thêm hành, tỏi vào bữa ăn hàng ngày.
3. Táo
Trung bình một quá táo chứa 60-100 kilocalories và không chứa chất béo, natri. Bên cạnh đó, chất axit malic giúp phân giải tế bào mỡ trong cơ thể, kiểm soát cân nặng. Mỗi ngày ăn 2-3 trái táo trong vòng 3 tuần, chất béo trong máu giảm được 21%. Thực đơn giảm cân từ táo có nhiệt lượng thấp được rất nhiều người lựa chọn.
Ngoài tác dụng giảm cân, táo còn có tác dụng phòng ngừa ung thư bởi thành phần của nó được chứng minh tương đương với thành phần các chất chống ung thư phổi, ung thư vú, ung thư ruột liên kết. Các nhà khoa học Nhật Bản đã nghiên cứu chế độ ăn của 1000 người trên độ tuổi 70. Kết quả cho thấy những người có thói quen ăn táo cả vỏ và uống trà xanh thường có trí nhớ tốt và ít mắc các bệnh liên quan đến ung thư. Tuy nhiên, người dùng nên chọn quả táo rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh bị ngộ độc và tăng sinh tế bào ác tính do độc tố tích tụ lâu ngày trong cơ thể.
4. Rau mầm
Những loại rau mầm phổ biến phải kể đến như: mầm đậu xanh (giá đỗ), mầm bông cải xanh, mầm linh lăng, rau mầm củ cải, mầm hướng dương… Nhà khoa học Bernhard Juurlink tại Đại học Saskatchewan tìm thấy trong rau mầm bông cải xanh hội tụ nhiều hợp chất có khả năng thu dọn các gốc tự do, chống lại ung thư, cao huyết áp, bệnh tim mạch và đột quỵ. Mầm bông cải xanh có nồng độ glucoraphanin cao hơn nhiều so bông cải xanh trưởng thành và bạn sẽ cần ăn 20-50 lần các cây trưởng thành để có được những lợi ích tương tự như dạng rau mầm.
Mầm cỏ đinh lăng chứa Phyto-estrogens (một loại tiết tố nữ có lợi). Phyto-estrogens trong rau mầm ngăn chặn sự hình thành các tế bào ác tính gây ung thư, sự hình thành xơ mạch, ức chế hoạt động của tyrosine kinase bảo vệ DNA , cung cấp dồi dào chất chống oxy hóa.
(Sức khỏe đời sống)